CHỈ NHẬN BIẾT

CHỈ NHẬN BIẾT
 
Một sư Phật giáo lớn, nhà huyền môn, Nagarjuna, đi qua một làng. Hoàng đế của nước đó là một tín đồ của Nagarjuna, và ông ấy đã tặng cho sư một bình bát ăn xin bằng vàng có nạm kim cương quanh nó. Nó rất đắt, và Nagarjuna là một fakir trần trụi. Khi ông ấy đi qua, một kẻ trộm không thể tin được vào điều đó: một người trần trụi có một thứ có giá trị mênh mông thế! Thế là kẻ trộm đi theo ông ấy.
 
Nagarjuna ở bên ngoài thành phố trong một tu viện điêu tàn. Thậm chí không có cửa, cho nên kẻ trộm mừng lắm. Nó nói, "Bây giờ ông ta sẽ nghỉ ngơi, hay ít nhất trong đêm ông ta sẽ nghỉ, đi ngủ. Mình có thể lấy nó, không có rắc rối gì." Thế là trộm ta ẩn đằng sau bức tường.
 
Nagarjuna nhìn quanh và ông ấy nói, "Tốt hơn cả là anh vào đi và cầm lấy bình bát này để cho ta có thể ngủ thoải mái. Đằng nào anh cũng sẽ lấy nó, cho nên tại sao không cho nó đi? Ta nghĩ tốt hơn cả là đem nó cho anh. Ta không thích làm anh thành kẻ trộm - đây là món quà!"
 
Người này bước vào nhưng anh ta không thể tin được điều đó. Và mặc cho bản thân mình anh ta chạm chân Nagarjuna. Nagarjuna nói, "Bây giờ anh có thể đi, bởi vì ta chẳng có gì khác. Anh cứ thoải mái và để ta thoải mái."
 
Nhưng kẻ trộm nói, "Chỉ một điều thôi: tôi cũng muốn được không bị gắn bó với đồ vật như ông vậy. Ông đã làm cho tôi cảm thấy rất tội nghiệp. Có cách nào một ngày nào đó tôi cũng đạt tới đỉnh tâm thức như vậy không?"
 
Nagarjuna nói, "Có chứ, có cách đấy."
 
Kẻ trộm nói, "Nhưng một điều để tôi nói trước: đừng bảo tôi thôi ăn cắp. Bởi vì bất kì khi nào tôi đi - và tôi đã tới các nhà huyền môn và các thánh nhân và tôi là một kẻ trộm nổi tiếng quanh đây, cho nên họ tất cả đều biết - họ lập tức nói, 'Trước hết anh thôi ăn trộm đi,' và điều đó tôi không thể làm được. Tôi đã thử nhưng điều đó tôi không thể làm được, cho nên xin đừng làm điều đó thành điều kiện. Bất kì cái gì khác ông nói tôi sẽ làm."
 
Nagarjuna nói, "Thế thì anh chắc vẫn chưa gặp được nhà huyền môn hay thánh nhân đâu. Anh phải đã gặp các cựu trộm cắp rồi; bằng không, sao người ta phải bận tâm về việc là kẻ trộm? Cứ là kẻ trộm đi! - đó là công việc của anh, đó không phải là lo nghĩ của ta. Chỉ một điều ta muốn bảo anh, và điều đó là: Đi đi, làm bất kì cái gì anh cảm thấy cần làm, nhưng nhận biết, tỉnh táo. Đừng làm bất kì cái gì một cách vô ý thức, máy móc, như robot."
 
Kẻ trộm nói, "Điều này hoàn toàn được. Tôi sẽ thử nó."
 
Nagarjuna nói, "Ta sẽ đợi mười lăm ngày trong tu viện này; anh có thể tới và báo cáo."
 
Vào ngày thứ mười kẻ trộm chạy tới, vã mồ hôi, và anh ta nói, "Ông là thằng cha thủ đoạn quá xá! Trong mười ngày liên tục tôi đã cố gắng.
 
Khi tôi đi - và đây đã là cái gì đó như phép màu: chưa bao giờ trong đời tôi mà tôi lại không thành công thế - tôi vào nhà, tôi mở rương, và thế rồi tôi nhớ tới ông và tôi quan sát, và khi tôi trở nên nhận biết, tôi trở nên im lặng tới mức tôi không thể chuyển động được. Tay tôi không di chuyển được! Khi tôi vô ý thức tay tôi chuyển động - nhưng thế rồi tôi đã hứa với ông. Tôi trở nên có ý thức lần nữa - tôi không thể lấy vật đó đi cùng tôi. Tôi phải bỏ nó lại. Trong mười ngày liên tục! Cho nên xin ông nói cho tôi cái gì đó khác."
 
Nagarjuna nói, "Đó là điều duy nhất đấy. Bây giờ điều đó là tuỳ anh chọn thôi: anh có thể bỏ nhận biết và vẫn còn là kẻ trộm, hay anh có thể có nhận biết và để kẻ trộm bị bỏ đi. Điều đó dành cho anh chọn lựa. Ta không nói rằng anh phải thôi ăn trộm. Anh cứ đi ăn trộm; nếu anh có thể làm nó với nhận biết, thế thì ta không lo nghĩ."
 
Kẻ trộm nói, "Điều đó là không thể được; tôi đã thử trong mười ngày rồi. Nếu tôi nhận biết, thế thì tôi không thể ăn trộm được. Nếu tôi ăn trộm, thế thì tôi không nhận biết." Và kẻ trộm nói, "Thực sự, ông đã có được tôi - và tôi không thể bỏ nhận biết này bây giờ, tôi đã nếm trải nó.
 
Chẳng cái gì xứng đáng với nó bây giờ, chẳng cái gì có giá trị hơn bây giờ."
 
Nagarjuna nói, "Thế thì đừng bận tâm tới ta thêm nữa. Đi và dạy cùng điều đó cho những kẻ trộm khác!"
 
Tiếng nói bên trong không phải là tiếng nói, nó là hiện tượng năng lượng. Bạn bị nắm giữ trong nhận biết, trong im lặng. Và trong im lặng đó, bất kì cái gì bạn làm đều đúng; bất kì cái gì không đúng bạn không thể làm được.
 
Cho nên tôi không bảo bạn không làm cái này, và làm cái kia. Tôi đơn giản bảo bạn điều Nagarjuna đã bảo cho kẻ trộm: Chỉ nhận biết!

Osho

Nguồn: Osho - Ngày: 13/2/2020 - đăng bởi: QuangPN
QuangPN 05/20/2021 08:22:52 PM

Tag: #Câu chuyện Thiền



:

----------------