Làm việc thông minh là gì? Tôi chưa bao giờ có được câu trả lời đó từ cha. Cha tôi là một người theo chủ nghĩa làm việc chăm chỉ. Là kỹ sư cơ khí điện, ông cần cù lao động và lúc nào cũng luôn tay luôn chân làm gì đó. Khi xưởng của ông đóng cửa, ông về nhà và sản sinh ra vô khối việc nhà để “hành hạ“ đứa con theo chủ nghĩa lãng mạn chỉ thích nhìn thời gian ngừng trôi…
Đâu đó ở thời khắc chuyển giao giữa thời đại công nghiệp và thời đại thông tin, cụm từ “làm việc chăm chỉ” trở thành một thứ mốt xấu xí lỗi thời và “làm việc thông minh” được trao vương miện. Đột nhiên hình ảnh người nông dân cày sâu cuốc bẫm cả ngày ngoài đồng hay anh công nhân dầu máy đầy tay cắm mặt trong xưởng không còn là hình mẫu lý tưởng trong chúng ta.
Làm việc thông minh là gì? Tôi đi thực tập và bị đá đít sau một tháng, tôi vẫn chưa biết. Tôi thức làm outsource đến 2 giờ sáng, tôi vẫn chưa biết. Tôi gia nhập tập đoàn ngồi cao chót vót trên Bitexco, tôi vẫn chưa biết. Tôi đào tạo trợ lý cá nhân cho dự án miễn phí, tôi vẫn chưa biết. Đó là một khái niệm vẫn còn mơ hồ trong tâm trí chàng trai đang chơi vơi sự nghiệp.
Cho đến khi tôi học từ ông Kevin Kelly.
Sinh vào thưở hồng hoang của thời đại thông tin, Kevin Kelly là đồng sáng lập tạp chí Wired chuyên về sự ảnh hưởng của công nghệ đến văn hóa, kinh tế, chính trị. Ông cũng đồng sáng lập tổ chức phi lợi nhuận All Species nhắm đến đánh mục và nhận biết mọi sinh vật sống trên Trái Đất. Và ông cũng đồng sáng lập dự án Rossetta xây dựng thư mục của TẤT CẢ ngôn ngữ loài người, và ngồi trong ban hội đông của tổ chức Long Now tập trung vào cách phục hồi và tái sinh những giống loài đã tuyệt chủng như loài Mammoth…
Lần đầu tiên ông thực sự “làm việc” tại công ty là năm 35 tuổi. Sau tuổi trẻ đi du lịch vòng quanh thế giới, nghiên cứu văn hóa Đông phương, xây dựng công ty, làm những công việc kỳ lạ. Khi rảnh rỗi, ông nhiếp ảnh cho các tạp chí hàng đầu nước Mỹ, viết sách bán chạy nhất. Một người đàn ông thú vị, phỏng?
Tôi hay nhắc đến bài viết 1,000 True Fans của ông là liều lượng hiệu quả tối thiểu về marketing. Dưới đây là một bài viết MED khác về sự nghiệp. Những đoạn bôi đen là ghi chú của tôi.
Những Việc Bạn Không Cần Làm
Làm việc thông minh là làm những gì bạn giỏi.
Khi bạn bắt đầu công việc đầu tiên của mình, toàn bộ sự chú ý của bạn đều được dồn vào việc không làm hỏng việc. Mục tiêu chủ yếu của một người mới đơn giản là làm tốt. Làm việc thông minh tức là làm những việc được yêu cầu.
Khi bạn ngày càng tự tin về khả năng hoàn thành công việc của mình, nhiệm vụ của bạn là học những điều mới, là làm thêm việc. Ở giai đoạn này, làm việc thông minh tức là làm hơn những gì được yêu cầu.
Cấp độ tiếp theo là sự khám phá. Bạn càng thử nhiều việc khác, bạn càng nhanh chóng nhận ra mình làm giỏi cái gì hơn. Làm việc thông minh tức là thử thật nhiều vai trò có thể để tìm ra thứ mình giỏi.
Trong lúc bạn tự dạy mình về tài năng và tham vọng của bản thân, bạn tốt nghiệp từ chuyện làm một công việc đúng cách đến làm đúng công việc. Cần một vài kinh nghiệm để nhận ra rằng có rất nhiều việc tốt hơn hết nên bỏ đó. Có thể nó là việc lăng xăng được làm theo thói quen, hoặc là việc đang đi sai hướng. Làm việc thông minh tức là chắc chắn rằng bạn đang dành thời gian làm những việc hiệu quả hoặc cần được làm.
Nhưng chuyến hành trình thông minh không dừng lại ở đó. Nếu bạn thật sự chú ý đến những ý kiến phản hồi của những người xung quanh, và luôn cố gắng hoàn thiện, sẽ đến lúc bạn có thể tìm ra tài năng tuyệt vời nhất của mình. Ở giai đoạn này bạn có thể bắt đầu chỉ làm những việc (mà thật sự cần được hoàn thành) mà bạn giỏi làm. Và điều đó mới sướng làm sao! Suốt nhiều năm tôi đã tưởng đây là đỉnh cao của trí tuệ làm việc. Còn chuyện gì tuyệt trần hơn chỉ dành năng lượng đi làm những việc bạn giỏi VÀ đam mê chứ?
Nhưng gần đây tôi bắt đầu phát hiện ra rằng vẫn còn một giai đoạn nữa phía trên việc làm việc tốt và với đam mê.
Nó bắt đầu với kinh nghiệm làm biên tập cho các tạp chí của tôi. Phần lớn công việc của một biên tập viên là khiến người khác hoàn thành câu chuyện dựa trên các ý tưởng mà biên tập viên (tôi) đưa ra. Nên tôi làm quen với việc đưa ra ý tưởng hay. Nhưng dù tôi có thể đưa ra nhiều ý tưởng tốt, thỉnh thoảng tôi cũng có những ý tưởng tuyệt vời mà mình chỉ là không thể bán được. Nên tôi để cho nó chết. Nhưng một vài trong số đó sẽ tự hồi sinh để tôi sẽ lại lần nữa tìm cách đưa chúng đi. Một số sẽ được nhận nhưng cũng có một số sẽ không được và bị thu hồi. Có vài ý tưởng có thể phải trả qua quá trình này vài chục lần, cho đến cuối cùng tôi sẽ đối mặt nó. Đây là một ý tưởng hay đến mức tôi không thể giết nó đi, nhưng lại chẳng ai khác thèm nó.
Cần rất nhiều lần tôi mới nhận ra đây là tín hiệu. Nó nói rằng, “Đây là cái bạn phải làm.” Những câu chuyện này sẽ trở thành những câu chuyện hay nhất tôi từng viết.
Đó là vì chúng là những câu chuyện mà không ai khác có thể viết được. Điều tôi đã vô tình làm là loại ra những ý tưởng hay tôi có thể làm (nhưng người khác cũng có thể) khỏi những ý tưởng tuyệt vời mà chỉ mình tôi mới làm được. Tôi đã phát hiện ra không chỉ đủ để có thể làm điều gì đốt, và muốn làm nó, và được trả tiền để làm nó. Làm việc ở mức độ thông minh nhất có nghĩa là làm việc mà không ai khác có thể làm.
Đó là một mức khá cao. Nhận thức được những thứ một người có thể làm tốt mà người khác không thể là một thách thức khổng lồ. Trong đa phần các trường hợp, cần mất cả đời ta mới khám phá ra được điều này. Sự nhận thức này chỉ đến thông qua luyện tập có chủ đích và với sự giúp đỡ của người khác, nhưng thành quả cũng khổng lồ tương xứng. Khi bạn đang làm tốt một việc mà người ta muốn, và bạn là người duy nhất làm được việc đó, bạn sẽ được tưởng thưởng phi thường.
Điều này đúng không chỉ với những người thành công vang dội, mà với cả những thành công nhỏ. Bạn có thể làm kế toán, giao pizza, chăm sóc thú nuôi, chăn cừu, nghiên cứu hóa học, và dạy học trung học với sự ưu tú độc đáo. Và vâng, có rất nhiều chỗ trong thế giới này để công việc của mỗi người được khác biệt đôi chút. Phần khó nhất của sự khám phá này là hướng bản thân tránh xa chuyện bắt chước theo những người đã thành công, để có thể tìm thấy sự ưu tú của chính mình.
Tôi nghĩ kinh nghiệm của tôi có thể đưa ra một mẹo nhỏ trong quá trình này. Khi mọi người đang làm gì đó như bạn làm, hãy bỏ việc đó đi vì đó có nghĩa là bạn không cần phải làm nó! Nếu họ đang ăn cắp ý tưởng của bạn, bắt chước hành động của bạn, chôm phong cách của bạn, và họ đang làm tốt, hãy cảm ơn họ. Bạn vừa học được rằng việc đó là thứ bạn không cần làm vì người khác có thể làm nó. Chuyện này đáng sợ vì bạn đang từ bỏ những việc mình làm tốt, và bạn có thể nghĩ rằng sau khi từ bỏ tất cả những thứ tốt, sẽ chẳng còn gì xuất sắc dành cho bạn nữa cả. Hãy tin tôi, bạn còn hơn thế.
Nhưng bạn sẽ cần cả đời để tìm ra nó. Tất cả, theo nghĩa tất cả những ngày của bạn. Và tất cả, theo nghĩa tất cả những cố gắng không ngừng nghỉ của bạn. Công việc vĩ đại nhất của bạn là bỏ rơi những thứ bạn không cần phải làm.
***
Công việc vĩ đại nhất của bạn là bỏ rơi những thứ bạn không cần phải làm.
Biết bạn đang ở mức độ nào và vị trí nào là tối quan trọng cho một cuộc sống hiệu quả.
Nếu bạn là tân binh, hãy học bằng cách thử nghiệm làm thật nhiều việc ở nhiều vị trí khác nhau cho đến khi…
Bạn trở thành nhà chuyên nghiệp. Đây là phần rắc rối vì đa số mọi người khoe sự bận rộn như tấm huy chương danh giá. Bận rộn là một dạng lười biếng tư duy. Tận tụy đôi khi chỉ là những công việc vô nghĩa ngụy trang. Ít nhất 3 lần trong ngày, bạn phải tự hỏi mình câu sau: mình đang năng động hay tăng động? Mình có đang phát minh việc để tránh những thứ quan trọng? Một việc không có nghĩa là quan trọng ngay cả khi (1) bạn làm tốt nó và (2) cần rất nhiều thời gian để làm nó.
Tôi sẽ lặp lại câu nói bạn có thể muốn xăm vào não: Làm việc thông minh là bỏ rơi những thứ bạn không cần phải làm. Hãy tàn nhẫn và cắt mỡ thừa.
Bạn đang ở mức độ làm việc thông minh nào? Và bạn đã làm gì để nâng mức độ làm việc thông minh của mình lên?
Nguồn: Sưu tầm: https://www.ptcn.me/
P/S đây là cách tiếp cận của cộng đồng Life Support Life. Mời các bạn tham gia https://www.facebook.com/groups/1937343029658177/